Từ 1911 đến 1927 Tin_Lành_tại_Việt_Nam

Ngay trong năm đầu tiên thành lập Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp, nhà lãnh đạo sáng lập tổ chức này, Albert Benjamin Simpson, trong tạp chí Word, Work, and World (tháng 2 năm 1887) đã đề cập đến tình trạng "bán đảo Đông Nam Á đã bị lãng quên nhiều," và "vương quốc An Nam rộng lớn" cùng với Tây Tạng phải được xem là công trường truyền giáo tương lai.[16]

Mở đường

Mục sư Hosler cử hành lễ Báp têm cho ông Nguyễn Văn Phúc, tín hữu người Việt đầu tiên, tại Đà Nẵng năm 1912

Được cho là theo yêu cầu của Simpson, trong năm 1893 David Lelacheur đã đến Sài Gòn để thực hiện một cuộc khảo sát,[17] và tường trình "cửa đã mở tại An Nam".[17] Tuy nhiên, chính quyền Pháp tại Việt Nam vẫn chủ trương thực thi Hòa ước Giáp Tuất (1874)Hòa ước Giáp Thân (1884) chỉ cho phép những nhà truyền giáo người Pháp và người Tây Ban Nha thuộc Giáo hội Công giáo Rô-ma hoạt động tôn giáo trong xứ.[18] Simpson quyết định thành lập ngay một cơ sở truyền giáo tại Quảng Tây, Hoa Nam, vì ông tin rằng từ đó những nhà truyền giáo có thể tiến vào Việt Nam. Năm 1897, Mục sư C. H. Reeves từ Quảng Tây thực hiện một chuyến viếng thăm ngắn ngày đến Lạng Sơn.[19] Năm 1899, nhà truyền giáo R. A. Jaffray đến Hà Nội bằng cách đi dọc theo sông Hồng, nhưng không làm được gì. Vì tin rằng một người Canada nói tiếng Pháp sẽ dễ dàng hơn khi tiếp xúc với nhà cầm quyền Pháp, ông thuyết phục Sylvian Dayan và vợ đến Việt Nam năm 1902, họ được phép lưu lại Hải Phòng, nhưng một năm sau phải rời khỏi Việt Nam vì gặp phải sự chống đối quyết liệt.[20]

Thành lập cơ sở truyền giáo

Sau chín năm chờ đợi và kiên trì tìm kiếm cơ hội tiến vào Việt Nam, mùa xuân năm 1911, Jaffray cùng Paul M. Hosler và G. Loyde Hughes đặt chân đến Tourane, họ nhận được sự hỗ trợ từ Bonnet, đại diện Thánh thơ Công hội tại Trung kỳ.[21] Do Hughes qua đời, chỉ còn Hosler phụ trách cơ sở truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam. Trong ba năm kế tiếp, cơ sở này được bổ sung thêm chín nhà truyền giáo, và một cơ sở mới được thành lập ở Hội An.[22] Đến đầu năm 1915, có thêm hai cơ sở tại Hải Phòng và Hà Nội.

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, tháng 12 năm 1915, người Pháp ra lệnh "cấm mở thêm công cuộc truyền giáo giữa vòng người bản xứ", đóng cửa tất cả các nhà nguyện và những cơ sở truyền giáo ngoại trừ cơ sở ở Tourane, và buộc những nhà truyền giáo có tên gốc Đức phải rời khỏi nước.[23] Sau cuộc hội kiến giữa R. A. Jaffray với Toàn quyền Pháp tại Hà Nội năm 1916, thái độ nghi kỵ từ phía người Pháp được giải tỏa, những nhà truyền giáo được phép mở rộng công cuộc truyền bá phúc âm đến Nam kỳ.[24] Đến năm 1927, số nhà truyền giáo tăng gấp ba, trong đó có những người đã đóng góp đáng kể cho nỗ lực xây dựng và phát triển cộng đồng Tin Lành còn non trẻ tại Việt Nam như D. L. Jeffrey và E. F. Irwin, cả hai là người Canada, J. D. Olsen, người Na Uy, cùng William (người Anh) và Grace Cadman (người Mỹ), hai nhân tố chính trong việc hình thành bản Kinh Thánh tiếng Việt năm 1926.[25] Các cơ sở truyền giáo đã được thành lập tại Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Biên Hòa, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Rạch Giá, cũng như ở Phnom PenhBattambang.[26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tin_Lành_tại_Việt_Nam http://christianityinview.com/protestant/denominat... http://hoithanh.com/Home/100-nam-tin-lanh-vn/199-h... http://www.hoithanh.com/Home/tin-tuc/viet-nam/3454... http://www.httldalat.com/index.php/component/conte... http://sachcodoc.com/?m=book_online&view=detail&ca... http://sachcodoc.com/?m=book_online&view=detail&ca... http://sachcodoc.com/?m=book_online&view=detail&ca... http://sachcodoc.com/?m=book_online&view=detail&ca... http://hoithanhtinlanhvietnam.org/?do=news&act=det... http://www.thuvientinlanh.org/2012/01/l%C6%B0%E1%B...